banner 1
banner 2
banner 3
banner 4

Thầy giáo 9X nhiệt huyết “gieo” chữ giữa trùng khơi

Giữa trùng khơi sóng nước, thầy Thuận vẫn ngày đêm miệt mài “gieo”chữ cho học sinh tiểu học ở điểm đảo Đầm Báy, cách bến tàu du lịch Cầu Đá ở phía Nam thành phố Nha Trang 8 hải lý.

Một buổi trưa ngày đầu tuần, tôi đến bến tàu du lịch Cầu Đá để theo chân thầy Phạm Minh Thuận (25 tuổi) ra thăm điểm đảo. Thầy Thuận là nam giáo viên duy nhất trong 3 điểm trường hải đảo của trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Dù 11h45 tàu mới chạy, nhưng trước khi tôi tới, tàu đã đông nghịt người và hàng hóa. Thầy Thuận cùng 5-6 nữ giáo viên đã đến sớm và ngồi đợi trong ca-bin. Đó là những nữ giáo viên thuộc điểm đảo Vũng Ngán, Bích Đầm, cùng đi trên chuyến tàu để ra điểm đảo dạy học.
Đầm Báy là một điểm dân cư hơn 60 hộ dân, thuộc phía Nam đảo Hòn Tre, cách đất liền khoảng 8 hải lý nằm nằm trên Vịnh Nha Trang. Đầm Báy có địa hình như một lòng chảo, được bao bọc bởi núi rừng nên khá yên bình. Sau khi ghé điểm đảo Vũng Ngán, tàu tiếp tục hành trình vượt biển, rồi đỗ chúng tôi ở một bè nuôi tôm giữa biển, cách Đầm Bấy khoảng nửa hải lý. Lý do là vì vùng nước Đầm Báy được cho là có đá ngầm nên tàu lớn không thể vào sâu.
Đón thầy Thuận và tôi là một chiếc thuyền nan nhỏ bé chẳng khác gì chiếc “vỏ trấu” của một phụ huynh học sinh điểm trường. Mặc cho sóng biển đánh vỗ đầu, chiếc thuyền nan nghiêng ngã, chòng chành nhưng vẫn đưa tôi và thầy Thuận đến điểm trường an toàn. Tôi cùng thầy Thuận khệ nệ vác mấy bao thức ăn và đi bộ thêm nửa cây số mới đến điểm trường Đầm Báy.
Điểm trường khá khang trang với 2 phòng học và 1 phòng giáo viên lưu trú. Thầy Thuận đến vào đầu giờ chiều cũng là lúc bắt đầu giờ lên lớp. Học sinh của thầy Thuận là 2 em học sinh lớp 1 - Lê Văn Đại Hàng, Đỗ Như Quỳnh và 1 em học sinh lớp 2 - Võ Thị Thanh Thảo.
Không náo nhiệt, sôi nổi như các lớp học ở đất liền, lớp học của thầy Thuận khá trầm lắng với những tiếng đánh vần ngọng nghịu “ê…!”, “a...!” không át được tiếng sóng. Do dạy lớp ghép nên thầy “xoay tour” liên tục giữa 2 em học sinh lớp 1 và 1 học sinh lớp 2 để các em nắm kịp bài học. “Dạy lớp ghép nên mình phải làm việc gấp đôi! Vừa dạy cho lớp này nhưng lại vừa dạy cho lớp kia, đồng thời phải bao quát được lớp và các em”, thầy nói.
Thầy Thuận kể, trước đây điểm trường Đầm Báy từng có một nam giáo viên “cắm” đảo đến 5 năm. Thầy Thuận phụ trách công tác ở điểm trường từ tháng 5/2015 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm tiểu học, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Nói về học sinh điểm đảo, thầy chia sẻ: “Học sinh ở đây có tính tự học rất cao, tiếp thu khá nhanh và chăm ngoan”.
Theo thầy Thuận, học sinh ở đây đi lại khá khó khăn do nhà xa và có em phải đi học bằng đò, ghe. Như trường hợp em Thảo phải leo núi đá cheo leo bên mé biển cả giờ đồng hồ mới đến điểm trường. Trong khi đó, nhà em Hàng sinh sống trên bè, nên phụ huynh phải đưa đi học bằng ghe.
Điểm trường đảo Đầm Báy cũng là điểm trường duy nhất trên Vịnh Nha Trang không có điện lưới, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng đêm, thầy Thuận phải dùng bình ắc-quy để thắp đèn led soạn bài. Cũng như người dân sinh sống ở đây, hàng tuần thầy Thuận phải mua nước của một người dân cách đó chừng 1km và xài rất nhỏ giọt vì các giếng trên đảo bị nhiễm mặn, khô kiệt. Vì những khó khăn ấy, cũng hiểu vì sao điểm trường không hề có bóng dáng nữ giáo viên.
Không chỉ dạy học chính khóa, mỗi tuần 3 buổi, thầy Thuận còn dành 60 đến 90 phút để dạy học miễn phí cho 4 em học sinh mầm non. “Việc này cũng xuất phát từ yêu cầu của phụ huynh, với lại tôi cũng rảnh rỗi nên bày cho các em cách học. Một số phụ huynh có nhã ý gửi tiền học phí nhưng tôi nhất quyết không nhận vì bà con ở đây còn khó khăn”, thầy Thuận tâm sự.
Đến thăm điểm đảo, nhìn cách học sinh ở đây hết mực vâng lời thầy, cách mà người dân điểm đảo chuyện trò rôm rả cùng thầy như người một nhà, đủ thấy họ tôn trọng và yêu quý thầy biết bao!